Trẻ em có thể gặp những vấn đề về rối loạn thần kinh hoặc chấn thương xương khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển và dẫn đến nhiều biến chứng khi trẻ trưởng thành. Bậc phụ huynh nên tham khảo ngay dấu hiệu nhận biết những bệnh lý và chấn thương ở trẻ trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tự kỷ
Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển thần kinh, liên quan đến tình trạng khó khăn trong giao tiếp xã hội và thực hiện các hành vi lặp lại. Tự kỷ được chia thành 2 dạng là tự kỷ bẩm sinh (bắt đầu từ khi trẻ mới sinh đến giai đoạn 3 tuổi) và tự kỷ không điển hình (trẻ phát triển bình thường trong 12 – 30 tháng tuổi đầu, sau đó ngừng phát triển và quên những kỹ năng đã tích lũy).
Trẻ bị tự kỷ thường gặp phải những triệu chứng đặc trưng sau mà bậc phụ huynh cần lưu ý:
- Về hành vi: Có thói quen tập trung vào một món đồ chơi hoặc những hoạt động của bản thân mà không quan tâm đến người xung quanh. Một vài trường hợp có thể tự làm cơ thể bị thương.
- Về cảm xúc: Không thể giao tiếp tốt với cha mẹ và những người xung quanh, không nhìn vào mắt người khác, khó phân biệt những người quen.
- Về ngôn ngữ: Chậm biết nói, nói câu ngắn hoặc không có nghĩa, tự lẩm bẩm một mình.
Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây tự kỷ, nhưng những yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải tình trạng này là gen di truyền; phụ nữ mang thai muộn hoặc thường căng thẳng, sử dụng chất kích thích trong quá trình mang thai; các vấn đề về gia đình, môi trường sống,…
Trẻ bị tự kỷ có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt và phát triển bình thường, hoặc có thể dẫn đến các biến chứng như trầm cảm, chứng khó đọc, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), bệnh động kinh.
2. Bàn chân bẹt
Bàn chân bẹt là dị tật ở bàn chân của trẻ, lòng bàn chân bằng phẳng, không có độ lõm để tạo thành vòm bàn chân.
Tình trạng này có thể bị nhầm lẫn đối với một số trẻ bị thừa cân, tuy nhiên trẻ bị bàn chân bẹt sẽ có triệu chứng lòng bàn chân phẳng, khi kiểm tra hình ảnh dấu chân sẽ phát hiện không có chỗ khuyết; đau nhức ở bàn chân, có thể lan ra mắt cá chân, bắp chân , đầu gối,…; dáng đi bất thường, chân đi hình chữ V, khớp gối hướng vào nhau, cổ chân xoay vào trong (hoặc ra ngoài); áp lực lên hai bên chân không đều nên một bên giày thường dễ bị mài mòn hơn.
Trẻ trong độ tuổi 2 – 3 tuổi thường sẽ bắt đầu hình thành vòm bàn chân và hệ thống dây chằng, giúp hạn chế phản lực từ mặt đất khi bước đi và giữ thăng bằng cho cơ thể. Bàn chân bẹt có thể là một tình trạng bẩm sinh do di truyền hoặc do các bệnh lý về khớp, thói quen đi chân đất, đi giày giày dép đế phẳng.
Hội chứng bàn chân bẹt có thể gây biến dạng bàn chân, ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng, hạn chế sự linh hoạt của bàn chân và cản trở vận động. Trẻ cũng có thể gặp phải các biến chứng viêm khớp, gãy xương cẳng chân, viêm bao hoạt dịch ngón chân, viêm cân gan chân,… hay cơ thể mất cân làm tăng áp lực lên lưng, cổ. Trẻ mắc phải hội chứng này cần được các bác sĩ, chuyên gia phục hồi chức năng hướng dẫn để thực hiện các bài tập bàn chân bẹt, giúp cải thiện tình trạng này từ sớm.
3. Gãy xương và chấn thương do tai nạn
Gãy xương ở trẻ là chấn thương mà các xương bị biến dạng với các dạng như gãy dọc hoặc ngang làm đôi, gãy xương thành nhiều mảnh, rạn xương,… Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp các tình trạng như:
- Bong gân: Tình trạng dây chằng – dải mô nối giữa các xương quanh khớp – bị kéo giãn quá mức.
- Đứt gân: Dây chằng có thể bị rách, đứt do những tổn thương đột ngột, diễn ra phổ biến ở mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, ngón tay,…
- Căng cơ: Tình trạng các cơ bị kéo căng và rách, diễn ra phổ biến ở bắp chân, lưng dưới, vai,…
Thông thường, trẻ bị chấn thương có thể gặp các cơn nhói đau nghiêm trọng, cứng khớp và co thắt các cơ nên không thể cử động như bình thường ở vùng bị thương, sưng và bầm tím ở khớp, trường hợp đứt gân có thể nghe thấy tiếng nổ nhỏ. Trẻ nhỏ có thể gặp các chấn thương do tai nạn té ngã, va đập vào các vật dụng quanh nhà.
Trẻ bị chấn thương có thể dẫn đến mất ổn định khớp, đau đớn kéo dài, ảnh hưởng đến cấu trúc xương khớp của trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đang phát triển. Tình trạng này phải có phương pháp cải thiện kịp thời như vật lý trị liệu đứt gân tay, bong gân, phục hồi chức năng sau gãy xương,.. để hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp khi trẻ trưởng thành.
4. Chứng tăng động giảm chú ý
Chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) là một dạng rối loạn phát triển thần kinh ở trẻ, đặc trưng với tình trạng khó kiểm soát hành vi và hoạt động quá mức. Trẻ bị ADHA có thể gặp hai dạng triệu chứng là:
- Triệu chứng thiếu chú ý: Khó tập trung, không thể lắng nghe khi người khác đang nói, không chú ý đến các chi tiết hoặc hướng dẫn được giao, dễ bị phân tâm, thường xuyên quên hoặc làm mất đồ,…
- Triệu chứng tăng động: Trẻ vận động nhiều, leo trèo ở những nơi không phù hợp; có triệu chứng bồn chồn, vặn vẹo nếu phải ngồi yên; làm gián đoạn hoạt động của người khác; nói nhiều nói, chen vào lời của người khác.
Các nguyên nhân cụ thể gây rối loạn tăng động giảm chú ý vẫn chưa được xác định, nhưng những yếu tố làm tăng nguy cơ là di truyền, các rối loạn sức khỏe tâm thần khác, trẻ sinh non hoặc người mẹ tiếp xúc với các chất độc, sử dụng chất kích thích khi mang thai.
ADHD có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường và khả năng học tập của trẻ, khiến trẻ thực hiện các hành vi nguy hiểm. Một số biến chứng của ADHD là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ăn uống và giấc ngủ.
Các bệnh lý rối loạn thần kinh hay các vấn đề về xương khớp có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển ở trẻ, làm giảm chất lượng cuộc sống. Các bậc phụ huynh cần đưa trẻ thăm khám sức khỏe định kỳ để được kiểm tra và phát hiện sớm các vấn đề bất thường nhằm có biện pháp điều trị hiệu quả.
Hãy đưa trẻ đến Trung tâm Trị liệu và Phục hồi chức năng MYREHAB MATSUOKA ngay nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường ở trẻ để được chẩn đoán và hỗ trợ điều trị với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm.